Accessibility Settings

color options

monochrome muted color dark

reading tools

isolation ruler

Virus corona chủng mới đã trở thành câu chuyện lớn nhất trên thế giới những ngày vừa qua. COVID-19 đã lan tới hơn 100 quốc gia, khiến 4,262 người chết và làm cho 118,101 người bị lây nhiễm – theo số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins. Đây là lần thứ 6 Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu trong 10 năm trở lại đây (bắt đầu bằng dịch cúm A/H1N1 năm 2009) — và COVID-19 đã kịp gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Theo tính toán của Bloomberg, dịch này có khả năng làm thất thoát tới 2,7 nghìn tỷ đô la.

Khó mà tưởng tượng được COVID-19 sẽ lan rộng như thế nào và hậu quả sau cùng sẽ ra sao, mặc dù chúng ta đã có một số ước tính nhất định. Vì còn nhiều điều chưa thể chắc chắn, các nhà báo trên thế giới đang phải đối mặt với vô số thách thức khi đưa tin về dịch bệnh – như việc chống thông tin sai lệch hay khả năng bị lây nhiễm khi tác nghiệp – trong khi vẫn phải cố gắng không gây hoang mang cho cộng đồng.

Để hỗ trợ phóng viên tác nghiệp, biên tập viên Miraj Chowdhury của Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu (gọi tắt: GIJN) đã tập hợp kinh nghiệm từ nhiều toà soạn, nhiều nhà báo có thâm niên và các chuyên gia khác nhau trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các tài nguyên cho nhà báo, bao gồm các hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng trên trang của GIJN và các kênh mạng xã hội. Hiện tại, hướng dẫn cho nhà báo đang có bản tiếng Bangladesh, cùng với một số bài viết như Trực quan hóa dữ liệu về COVID-19 trên báo chí Trung Quốc, bí quyết điều tra bệnh truyền nhiễm từ chuyên gia Thomas Abraham, người đã viết nhiều sách về bệnh SARS và bại liệt.

Đưa tin có trách nhiệm

Karin Wahl-Jorgensen, giáo sư báo chí tại Đại học Cardiff, mới ra một nghiên cứu về ảnh hưởng của sự sợ hãi đến cách đưa tin về COVID-19 của 100 tờ báo có lượng độc giả lớn trên thế giới. Bà phát hiện ra cứ chín bài viết về COVID-19, lại có một bài đề cập đến nỗi sợ hay những từ liên quan như “e sợ, e ngại”.

“Những bài viết như vậy còn hay dùng những ngôn ngữ đáng sợ khác; ví dụ có 50 bài đã sử dụng cụm từ ‘virus giết người”,” bà nhận xét trong bài báo viết cho Nieman Lab.

Vậy làm thế nào để chúng ta viết được bài sâu và khách quan mà không gây hoảng loạn cho công chúng? Câu trả lời là đưa tin phải có trách nhiệm, theo ông Al Tompkins, giảng viên báo chí người Mỹ với nhiều bài viết trên Poynter. Ông Tompkins đề xuất một số nguyên tắc sau:

  1. Hạn chế sử dụng các tính từ chủ quan trong khi viết tin; ví dụ: căn bệnh “chết người”.
  2. Dùng hình ảnh cẩn thận để tránh lan truyền thông điệp sai.
  3. Giải thích cặn kẽ các bước phòng ngừa, điều này có thể giúp tin bài của bạn nghe bớt đáng sợ hơn.
  4. Nhớ rằng những câu chuyện có số liệu sẽ ít đáng sợ hơn những câu chuyện chỉ có tính chất kể lại.
  5. Tránh “giật tít”. Hãy cố gắng sáng tạo trong cách trình bày bài.

Còn trong một bài viết khác trên tờ Poynter, tác giả Tom Jones lại lưu ý cần tập trung tìm kiếm sự thật và không nên dựa vào các phát biểu cá nhân. “Đây là câu chuyện khoa học, không phải câu chuyện chính trị,” Jones viết. Tất nhiên, chính trị quan trọng, nhưng cần cảnh giác với thông tin bị vặn vẹo theo góc nhìn của các phe phái chính trị. Thay vào đó, hãy tham khảo thông tin cung cấp bởi các chuyên gia y tế.

Gọi tên bệnh cho đúng

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các phóng viên đã sử dụng nhiều tên khác nhau cho loại virus này. Ví dụ, “virus corona”, “một loại virus corona”, “chủng virus corona mới” hoặc “virus corona mới lạ”. Theo tác giả Merrill Perlman trên tờ Columbia Journalism Review: “Đó là vì virus corona lần này khác biệt với các virus corona khác. Mỗi loại virus corona gây ra một loại dịch hoặc đại dịch riêng. Mỗi loại đều có tên riêng và chúng đều rất mới ở một thời điểm nào đó.” Bạn muốn biết thêm về cách đặt tên virus? Hãy đọc thêm giải thích của WHO về lý do virus có tên khác nhau.

Vậy chúng ta nên đặt tên cho dịch bệnh lần này như thế nào? CNN đang sử dụng thuật ngữ đại dịch để mô tả sự bùng phát của virus corona hiện tại. Họ đã giải thích cho lựa chọn này khi WHO còn chưa công bố đại dịch. [Ghi chú: WHO đã cập nhật đánh giá của mình và đến ngày 11/3 đã công bố COVID-19 là một đại dịch.]

Dùng từ rất quan trọng. Theo cẩm nang AP Stylebook, “dịch bệnh là sự lây lan nhanh chóng của bệnh trong một phần dân cư hoặc một khu vực nhất định; đại dịch là một dịch bệnh đã lan rộng trên toàn thế giới”. Cẩm nang này khuyến cáo “sử dụng tiết kiệm; làm theo tuyên bố của các giới chức y tế công cộng”. Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên khác tại Cẩm nang AP Stylebook về virus corona.

Giữ an toàn

Khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, phóng viên sẽ không thể đưa tin nếu chính họ cũng bị cách ly. Họ cần phải có mặt ở hiện trường và sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã đưa ra một khuyến cáo chi tiết cho các nhà báo đưa tin về COVID-19 bao gồm các bước chuẩn bị trước khi tác nghiệm, các mẹo để tránh bị lây nhiễm khi tới các khu vực bị ảnh hưởng, cách lập kế hoạch đi lại và cẩn trọng sau khi tác nghiệp. Tóm tắt các khuyến cáo của CPJ như sau:

  • Sử dụng găng tay bảo hộ nếu ghé thăm hoặc làm việc trong môi trường bị nhiễm bệnh, chẳng hạn một cơ sở điều trị y tế. Các thiết bị bảo hộ y tế khác như áo toàn thân và mặt nạ toàn mặt cũng có thể cần thiết.
  • Không ghé thăm các chợ dân sinh (nơi bán thịt hoặc cá tươi) hoặc các trang trại ở khu vực bị ảnh hưởng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật (sống hoặc chết) và môi trường sống của chúng. Không chạm vào các bề mặt có thể bị nhiễm phân động vật.
  • Nếu bạn đang tác nghiệp tại một cơ sở y tế, các khu chợ hoặc trang trại, đừng bao giờ đặt đồ bảo hộ của mình trên sàn nhà. Luôn khử trùng thiết bị bằng khăn lau kháng khuẩn nhanh như Meliseptol một cách kỹ lưỡng.
  • Không ăn uống khi đang chạm vào động vật, khi đang ở gần chợ hoặc trang trại.
  • Luôn luôn rửa tay kỹ bằng nước nóng và xà phòng trước, trong và sau khi rời khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Thông tin từ các chuyên gia

Photo: Pixabay.

Để cập nhật tình hình mới nhất, hãy theo dõi các trang web của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE). Ngoài ra các phóng viên có thể tham khảo bản đồ COVID-19 của Đại học John Hopkins, trung tâm tài nguyên về virus corona cũng của đại học này và các bản tin cập nhật của trường. Các bạn cũng nên theo dõi thông tin dịch bệnh từ các cơ quan chính phủ có trách nhiệm ở nước bạn.

Các bạn cũng có thể tham khảo các nguồn được Hiệp hội các Nhà báo Chuyên nghiệp (The Society of Professional Journalists) giới thiệu:

Để biết thêm, hãy tham gia hội thảo online (webinar) do Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Washington tổ chức hoặc hội thảo này của Trung tâm Báo chí về Sức khoẻ của Đại học Nam California Annenberg.

Không dễ để tìm ra các chuyên gia về căn bệnh COVID-19. Virus này mới và khó đoán, cũng chưa có đủ nhà nghiên cứu hoặc bác sĩ chuyên về COVID-19. Khi chọn chuyên gia để phỏng vấn, hãy tham khảo 5 tiêu chuẩn của William Hanage, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Đại học Harvard:

  • Cần cẩn thận trong việc chọn chuyên gia. Người nhận giải thưởng Nobel cho một đề tài khoa học chưa chắc đã là chuyên gia ở tất cả các chủ đề khoa học còn lại. Người có bằng tiến sĩ hay đang giảng dạy ở một trường y có uy tín cũng vây.
  • Bạn cần tự phân biệt những gì đã được biết là đúng với những gì đang được cho là đúng – và như thế nào là suy đoán hay ý kiến cá nhân.
  • Thận trọng khi trích dẫn các phát hiện từ “các bản thảo nghiên cứu” hay các bài báo học thuật chưa được công bố.
  • Bạn có thể nhờ các học giả giúp đánh giá các lý thuyết hay khẳng định mới có đáng đưa tin hay không. Để tránh lan truyền thông tin sai lệch, các toà soạn cũng nên kiểm chứng các bài bình luận/góc nhìn.
  • Tham khảo kĩ các bài viết của các nhà báo chuyên đưa tin về khoa học.

Lời khuyên từ các nhà báo khác

Hãy tham khảo thêm một số kinh nghiệm từ Thomas Abraham, một nhà báo kỳ cựu chuyên viết về y tế và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và an ninh y tế toàn cầu. GIJN đã phỏng vấn ông ở bài viết này. Abraham cũng là tác giả của cuốn sách “Bệnh dịch thế kỷ 21: Câu chuyện về SARS”“Bại liệt: Diệt trừ phiêu lưu ký .

Caroline Chen viết về y tế cho tờ ProPublica. Cô đã sống sót qua dịch SARS ở Hồng Kông khi mới 13 tuổi và sau đó, với tư cách là một phóng viên, cô đã đưa tin về SARS và Ebola từ vùng tâm dịch. Trong bài viết này, Chen tập trung vào những gì phóng viên cần hỏi khi đưa tin về COVID-19; làm thế nào để giữ cho mọi thứ chính xác khi xử lý các ước tính, dự đoán và khi thông tin thay đổi nhanh chóng; và trên hết, làm thế nào để giữ an toàn.

John Pope, một phóng viên với 20 năm kinh nghiệm viết về các vấn đề sức khỏe, đã đưa ra 11 lời khuyên khi đưa tin về cúm A/H1N1, một số có thể có ích cho việc đưa tin về COVID-19. Các mẹo của Pope bao gồm: tầm quan trọng của việc lấy được các thông tin cơ bản, lập bản đồ dịch bệnh, giữ cho mọi thứ đơn giản và ngắn gọn, tập trung vào việc phòng ngừa và cẩn thận khi dùng từ.

Mạng lưới các nhà báo quốc tế IJNet cũng đã biên soạn một danh sách các thận trọng khi đưa tin về COVID-19, tổng hợp các lời khuyên từ nhà báo đã đưa tin về căn bệnh này. Dưới đây là những điểm chính:

  • Hiểu đúng tình hình thực tế – sau đó đưa những thông tin này vào bài
  • Tập trung vào tường thuật, tránh phân tích.
  • Cẩn thận với tiêu đề.
  • Hãy nhớ rằng: Không phải tất cả các số liệu đều chính xác.
  • Nói chuyện với càng nhiều người khác nhau càng tốt.
  • Tránh các ngụ ý phân biệt chủng tộc.
  • Cẩn trọng khi phỏng vấn chuyên gia.
  • Đừng bỏ qua những câu chuyện không ‘giật gân’.
  • Đưa ra giới hạn của bạn. Đôi khi biết nói không với biên tập viên lại là một điều tốt.
  • Khi mọi thứ đi đến hồi kết, hãy tiếp tục bám sát câu chuyện.

Kiểm chứng thông tin về COVID-19

Photo: Unsplash.

Hãy nhớ lại lời của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. “Chúng ta không chỉ đang chiến đấu với dịch bệnh; chúng ta còn đang chiến đấu với một “trận dịch thông tin”,” ông phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2/2020. Trong thời đại thông tin sai lệch, các giả thuyết vô căn cứ và thuyết âm mưu tràn lan, các nhà báo cũng nên bác bỏ các thông tin xấu. Chẳng hạn căn bệnh có thể lây truyền qua hàng hoá sản xuất ở Trung Quốc, rằng COVID-19 được tạo ra bởi các nhà khoa học hay từ một phòng thí nghiệm.

Trong một bài báo gần đây, Poynter đã chỉ ra rằng người dân ở ít nhất năm quốc gia – bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Ghana và Kenya – đã nhìn thấy hoặc đọc được một tin bịp rằng “Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Tòa án Tối cao cho phép giết 20.000 người bị nhiễm virus corona 2019”.

Để vạch trần các thông tin sai sự thật và kiểm chứng thông tin, hãy tham khảo sáng kiến sau của Mạng lưới Kiểm chứng Thông Tin Quốc tế (International Fact-checking Network). 90 nhân viên kiểm chứng thông tin từ 39 nước khác nhau đang cùng nhau hợp tác để đối phó với cơn lốc thông tin sai lệch này. Tới cuối tháng 2 năm nay, liên minh #CoronaVirusFacts / #DatosCoronaVirus đã đăng tải 558 kiểm chứng về COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng có một trang “Myth Busters” (tạm dịch: Lật tẩy các giả thiết vô căn cứ) để bác bỏ các tin đồn về virus corona – trong đó có các hình ảnh minh hoạ để nhà báo, toà soạn và công chúng chia sẻ. Hãng thông tấn AFP cũng đã đưa ra một sáng kiến tương tự, “Busting Coronavirus Myths.” (tạm dịch: lật tẩy các giả thiết vô căn cứ về viruscorona). Ngoài ra, các bạn cũng nên theo dõi trang First Draft và bài báo gần đây nhất bàn về cách làm chậm lại sự lan rộng của thông tin sai lệch.

Nhiều toà soạn trên thế giới không có đội ngũ kiểm chứng thông tin hoặc thậm chí không có ai có kỹ năng bác bỏ thông tin sai lệch. Nếu bạn thấy tin vịt hoặc thông tin đáng ngờ, hãy liên hệ với các nhóm kiểm chứng thông tin tại địa phương và khu vực để được trợ giúp. Thông thường họ hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội và luôn có nhu cầu tìm kiếm nguồn mới.

Xử lý chấn thương tâm lý và làm việc với nạn nhân

Là phóng viên, chúng ta thường xuyên phải đi tìm câu chuyện có nhân vật, thăm nhà và nơi làm việc của họ, và hỏi họ những câu hỏi không mấy dễ chịu. Nhưng trong một đại dịch như thế này, các nạn nhân đều có khả năng bị chấn thương tâm lý. Họ có thể sẽ không muốn để lộ danh tính và kể cho bạn về bệnh tình của họ. Kể cả việc đưa thông tin nơi ở bệnh nhân cũng có thể làm cộng đồng xung quanh bị hoảng loạn, và làm cho gia đình nạn nhân càng thêm bất an.

Trung tâm Dart về Báo chí & Chấn thương Tâm lý của Đại học Columbia đã tập hợp một danh sách các tư liệu tham khảo cho nhà báo khi đưa tin về COVID-19. Có các hướng dẫn, tổng hợp các mẹo, các khuyến cáo, các cách làm tốt nhất, lời khuyên từ các chuyên gia trong việc phỏng vấn nạn nhân và những người bệnh đã qua khỏi, và cách xử lý khi gặp đồng nghiệp đã trải qua các sự kiện gây đau buồn. Bài viết này từ Trung tâm Báo chí Y tế cũng liệt kê các kinh nghiệm phỏng vấn những người đã vượt qua chấn thương tâm lý. Tóm tắt như sau:

  • Đối xử với các nạn nhân với thái độ tôn trọng. Hãy để nạn nhân mời bạn vào câu chuyện của họ.
  • Để nạn nhân sắp xếp thời gian và độ dài cuộc phỏng vấn; bạn cũng cần cho phép sự có mặt của người cố vấn.
  • Hãy minh bạch. Bạn phải thông báo cho nạn nhân đầy đủ thông tin và lấy được sự đồng ý bằng văn bản của nạn nhân trước khi tiến hành phỏng vấn.
  • Lòng trắc ẩn quan trọng hơn tin bài. Phải ưu tiên sức khoẻ của nạn nhân trước, sau đó mới tới tin bài của mình.
  • Đừng bắt đầu bằng những câu hỏi khó khiến nạn nhân dễ choáng ngợp. Hãy biết thông cảm và lắng nghe.
  • Hãy hiểu rằng tiếp xúc thường xuyên với các nạn nhân bị chấn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến bạn.

Lời khuyên cuối cùng của Trung tâm Dart là lời khuyên mà tất cả chúng ta nên chú ý:

“Hãy chăm sóc cho chính bản thân của bạn.”

Republish our articles for free, online or in print, under a Creative Commons license.

Republish this article


Material from GIJN’s website is generally available for republication under a Creative Commons Attribution-NonCommercial 4.0 International license. Images usually are published under a different license, so we advise you to use alternatives or contact us regarding permission. Here are our full terms for republication. You must credit the author, link to the original story, and name GIJN as the first publisher. For any queries or to send us a courtesy republication note, write to hello@gijn.org.